Thuỷ sản Minh Phú (MPC) muốn chiếm 25% thị phần tôm thế giới, đạt giá trị 10 tỷ USD
Mục tiêu chuyển đổi số là doanh nghiệp có thể phản ứng tức thời với thay đổi; đồng thời phép dự đoán tương lai, đây chính là vấn đề cốt lõi, đại diện FPT cho hay.
Ngày 24/12/2010, Tập đoàn FPT (FPT) và Thủy sản Minh Phú (MPC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và hợp đồng tư vấn chuyển đổi số. Theo đó, FPT và MPC sẽ tập trung thực hiện dự án xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực sản xuất.
Với vai trò là đối tác tư vấn chiến lược, FPT sẽ áp dụng phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kaizen được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai cho các công ty trên thế giới; từ đó tìm ra các vấn đề cần giải quyết cũng như cơ hội tăng trưởng, hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho MPC.
Nói về giá trị thương vụ, đại diện hai bên bỏ ngỏ và khẳng định đây là hợp tác đa chiều đa diện và lâu dài, từ sản xuất đến kinh doanh.
Hợp tác chiến lược như thế nào?
“FPT và MPC sẽ trở thành đối tác chiến lược và đồng hành trong hành trình dài. Chuyển đổi số không phải câu chuyện ngày 1, ngày 2.
Chuyển đổi số không phải câu chuyện của 1 dự án mà chuyển đổi số vẫn sẽ liên tục xảy ra chừng nào chúng ta vẫn còn làm kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi đã cùng nhau xác định ra 5 phạm vi hợp tác trong thời gian sắp tới”, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách chuyển đổi số FPT cho hay. Trong đó:
+ Thứ nhất, FPT sẽ phối hợp cùng MPC để xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho Tập đoàn.
+ Thứ hai, FPT là một trong những đối tác cùng triển khai các dự án mà MPC đã phê duyệt trong quá trình xây dựng lộ trình chuyển đổi số.
+ Thứ ba, trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), công tác truyền thông, công tác huấn luyện đào tạo, chia sẻ thông tin là vô cùng quan trọng: và FPT sẽ cùng Minh Phú thống nhất với nhau triển khai công việc này.
+ Thứ tư, hai bên kỳ vọng sau thời gian triển khai, FPT sẽ chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật để đội ngũ MPC có thể chịu trách nhiệm được những công việc trong giai đoạn lâu dài phía sau.
Cuối cùng, hợp tác hai bên còn hướng đến cả ngành tôm của Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp số nói chung, thông qua việc xây dựng giải pháp giải pháp có thể áp dụng cho toàn thị trường.
MPC muốn chiếm 25% thị phần tôm thế giới – Để đạt được phải thực sự bứt phá
Về phía MPC, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn chia sẻ: “Thực tế MPC và FPT đã hợp tác nhiều năm, lấy ví dụ phần mềm SAT thì cũng do FPT làm. Trong đó, phần mềm SAT chưa đựng dữ liệu vô cùng nhiều, và vấn đề lúc này phải làm sao khai thác, sử dụng dữ liệu đó cho hiệu quả. Do đó, MPC hướng tới CĐS để phân tích dữ liệu SAT, đây chính là giá trị của hợp tác mang lại”.
Nói thêm về số hoá, ông Quang cho rằng nó còn khá mới mẻ và nhiều người chưa hiểu hết về bản chất cũng như tác dụng số hoá. Và với một vấn đề mới, nếu nói ngay khúc đầu giải quyết vấn đề chưa hay chưa tốt mà nói thất bại bản thân người đứng đầu MPC khẳng định không đồng ý. “Phải biết không ai có thể thành công ngay, đó cũng là một thành công rồi. Và với chuyển đổi số cũng vậy, nhưng với trí thức nhân loại tôi kỳ vọng vài năm nữa CĐS sẽ phát triển rất mạnh”, ông Quang khẳng định.
Chính thức khởi động CĐS, mục tiêu MPC đến năm 2045 sẽ đạt 25% thị phần tôm thế giới – đây là một tham vọng bản thân MPC đánh giá là cực kỳ lớn, và Tập đoàn chỉ đạt được đúng thời hạn đề ra nếu thực sự tạo được sự đột phá. Trong quan hệ hợp tác với FPT, MPC hướng đến các nhiệm vụ trọng tâm: Tự động hóa trong sản xuất; Xây dựng Big Data cho ngành Tôm – bao gồm xây dựng cộng đồng cho ngành thủy sản; Xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ thông tin cũng như hoạt động trong chuỗi giá trị kinh doanh của cả tập đoàn Minh Phú; Áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc; Thiết lập KPI hiệu quả.
CĐS có thể giúp phản ứng tức thời với mọi thay đổi, và dự đoán được tương lai
Là một xu thế tất yếu của thế giới, tuy nhiên trong một báo cáo mới đây ghi nhận có đến 9/10 doanh nghiệp tự CĐS thì thất bại. “Theo tôi đây là chuyện bình thường khi làm cách mạng. CĐS là một cuộc cách mạng, và là cách mạng toàn cầu. Cách mạng phải bắt đầu bằng 3 chữ H – Heart, Head và Hand. Phải chuyển đổi đội ngũ từ lãnh đạo đến nhân viên, và chúng ta nên mừng thắng trận trên mỗi trận nhỏ”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT nói.
Liên quan đến việc để thành công hay thất bại, ông Bình cho rằng không chỉ CĐS mà doanh nghiệp còn phải có cảm hứng về CĐS, phải biết mình cần làm gì và phải biết làm như thế nào. Rất nhiều người CĐS đi trước trên thế giới, chúng ta sau đó sẽ đi theo và đi từng bước nhỏ ngay từ đầu. Riêng FPT cảm thấy rất may có người dẫn đường, nhiều chuyên gia đứng đầu thế giới đã và đang hỗ trợ Tập đoàn.
Cần nhớ, mục tiêu CĐS là doanh nghiệp có thể phản ứng tức thời với thay đổi; chẳng hạn khi dịch bệnh phát sinh, chúng ta ngay lập tức khắc phục nếu không sẽ lây lan, ông Bình lấy ví dụ. Chưa kể, cách mạng CĐS còn cho phép dự đoán tương lai, đây chính là vấn đề cốt lõi.
Trở lại với mảng thuỷ sản của MPC, CĐS sẽ cho doanh nghiệp nhận thức được làm thế nào đáp ứng thị trường tốt nhất với giá thành phải chăng nhất. Thông qua hợp tác chiến lược này, MPC đặt tham vọng sẽ đứng đầu mảng tôm thế giới thông qua chiến lược phát triển bền vững, tổng gía trị kỳ vọng lên đến 10 tỷ USD. i-stem
Ông Trương Gia Bình: Doanh số xuất khẩu phần mềm FPT đã đạt nửa tỷ đô, nhưng chúng tôi vẫn thiếu một mảnh ghép
Tri Túc
Theo Trí Thức Trẻ